Vài tuần gần đây dịch chân tay miệng đang bùng phát tại các tỉnh phía Nam đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh, trong khi đó các ca bênh sốt xuất huyết cũng tăng nhanh trên địa bàn. Dịch chồng dịch trở thành gánh nặng cho hệ thống ý tế của thành phố.
Theo số liệu Sở Y tế TP.HCM, từ ngày 19-25/6 số ca bệnh chân tay miệng tại đây đã tăng gấp đôi so với 4 tuần trước. Trong tuần 25, thành phố ghi nhận 779 ca chân tay miệng, tăng gấp đôi so với trung bình 4 tuần trước (360 ca). Trong đó, số ca nhập viện điều trị nội trú và khám ngoại trú đều tăng lần lượt là 1,8 và 2,8 lần. Tổng cộng 6 tháng đầu năm, thành phố ghi nhận gần 8.300 ca, thấp hơn so với cùng kì năm trước.
Có đến hơn 50% số bệnh nhân mắc chân tay miệng là chủng Enterovirus 71 (EV71). Đây là chủng có đặc tính lây lan nhanh và độc lực cao, khiến bệnh nhân trở nặng, đây cũng là tác nhân gây ra ổ dịch lớn vào năm 2011 và 2018.
Các chuyên gia cho rằng, thời gian tới số ca mắc trở nặng và tử vong do chân tay miệng sẽ tiếp tục tăng nếu Thành phố không kịp thời triển khai các giải pháp chống dịch và điều trị có hiệu quả. Tháng 7 cũng là lúc mùa mưa bắt đầu và nguy cơ dịch chân tay miệng chồng dịch sốt xuất huyết là rất cao.
Trong tuần 25, Thành phố ghi nhận 197 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 18% so với trung bình 4 tuần trước. Đáng chú ý, số ca nhập viện điều trị nội trú tăng 11,4% và số ca điều trị ngoại trú là 24,6%. Tính từ đầu tuần 25, TP. Hồ Chí Minh ghi nhận 8.298 ca sốt xuất huyết.
Ngành y tế nhận định TP Hồ Chí Minh có nguy cơ chồng dịch, dẫn đến quá tải ngành y tế, gây nhiễm trùng bệnh viện và lây nhiễm chéo giữa các bệnh nhân. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố giám sát các điểm nguy cơ, khuyến cáo các địa phương phòng dịch. Sở Y tế thành phố đã xây dựng các kịch bản thu dung, điều trị, đảm bảo thuốc và nhân lực.
Để tránh tình trạng dịch chồng dịch, thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống dịch trên địa bàn. Sở Y yế TP.HCM khuyến cáo người dân cần chủ động phòng bệnh chân tay miệng và sốt xuất huyết, tuyệt đối không chủ quan, lơ là trước dịch bệnh.
Để phòng chống dịch, mọi người cần chú ý:
Vệ sinh sạch sẽ nơi ở và làm việc, rửa tay chân sạch sẽ bằng xà phòng, phun khử khuẩn tại các khu học tập, vui chơi, thường xuyên lau rửa đồ chơi, dụng cụ của trẻ.
Thực hiện vệ sinh ăn uống: ăn chín uống, uống sôi.
Không cho trẻ tiếp xúc với người bị mắc bệnh.
Thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng bằng cách rửa dụng cụ chứa nước, đậy lắp các bể chứa nước không cho muỗi đẻ trứng.
Ngủ màn, mặc quần áo dài, sử dụng các loại dược phẩm ngăn muỗi.
Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hoá chất phòng dịch.
Khi bị sốt cao hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời. Không tự ý điều trị tại nhà.
Dịch tay chân miệng và sốt xuất huyết đang xảy ra ở nhiều địa bàn của thành phố. Mỗi người dân cần tự nâng cao ý thức phòng bệnh theo chỉ đạo cuả Trung tâm y tế trên địa bàn.
(Nguồn tổng hợp)