Khám bệnh từ thiện ở non cao Hà Giang: Trẻ toàn ăn cơm với rau, đi bộ 7-8km để đến trường

Chinh phục những cung đường hiểm trở của Hà Giang, AloBacsi cùng Delap & Daisy đã hoàn thành sứ mệnh đưa đoàn bác sĩ khám bệnh, phát thuốc và trao quà, tổ chức chương trình Vui Tết Trung thu cho 700 trẻ em ở xã Nấm Dẩn, huyện Xín Mần. Đây là hành trình thiện nguyện thứ 8 trong năm 2023 của AloBacsi và là chuyến thứ 5 đồng hành cùng Nhãn hàng Fitobimbi – Công ty Dược phẩm Delap.

Trẻ suy dinh dưỡng, còi xương đến biến dạng lồng ngực

12 năm qua, hành trình thiện nguyện nào của AloBacsi cũng vậy, đặt chân đến nơi là bắt tay ngay vào việc. Chuyến xe đến xã Nấm Dẩn, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang cùng Fitobimbi – Delap và Daisy cũng không ngoại lệ. 19h30 đêm 22/9, đoàn khởi hành từ Hà Nội. 3h sáng 23/9 đến điểm dừng chân, 7h cấp tập hoàn thiện công tác cuối cùng để đúng hẹn với các em nhỏ, bà con nơi đây.

Để đến điểm khám, đoàn thiện nguyện với 20 y bác sĩ vượt hơn 70km với một bên là vách núi đá, một bên là vực thẳm. Các điểm sạt lở do mưa lớn nhiều ngày trước khiến đoàn giật mình thon thót. Sở dĩ nhắc đến hành trình di chuyển, không phải để kể công lao, mà thực sự thấu hiểu những khó khăn của bà con vùng cao.

Như PGS.TS.BS Nguyễn Thị Diệu Thúy – Trưởng khoa  Nhi – Bệnh viện Đại học Y Hà Nội – Trưởng đoàn khám bệnh chia sẻ trong ít phút khai mạc chương trình: “Đoàn đến một lần đã thấy khó khăn, bà con nơi đây chắc chắn càng thấm thía những gian khổ từ việc đi lại, để kết nối với trung tâm huyện, với vùng”.

Cơn mưa nắng thất thường của buổi sáng 23/9 không làm giảm bớt đi không khí háo hức được gặp bác sĩ và nhận quà của các em nhỏ

Thực tế cho thấy, con số khám sẽ vượt ngưỡng 700 trẻ như dự kiến ban đầu. Song, do cơn mưa lớn sáng 23/9 khiến một thôn bị chia cắt, hàng chục hộ gia đình có trẻ nhỏ đành lỡ hẹn với ban tổ chức. Nhiều em nhỏ, để được gặp bác sĩ phải băng rừng, lội suối, đi bộ liên tục 7-8km.

Trên 10 bàn khám, hàng loạt vấn đề sức khỏe của trẻ em tại xã Nấm Dẩn được các bác sĩ phát hiện, từ viêm đường hô hấp trên đến viêm da, tổn thương da do không được chăm sóc… Trong đó, suy dinh dưỡng, thấp còi, thiếu vi chất dinh dưỡng đặc biệt nổi trội. Bé Vàng Ngọc Thái, 4 tuổi nhưng chỉ nặng 11kg, cao 102cm. Bé Sêu Đức Toàn, 9 tuổi nặng 24 kg, cao 130cm… Tình trạng dinh dưỡng ở trẻ em nơi đây hiện rõ trên từng số đo cân nặng, chiều cao ngay tại buổi khám.

Đồng hành cùng đoàn thiện nguyện chuyến thứ 3, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Diệu Thúy cho biết, trẻ đến khám lần này rất đa dạng lứa tuổi, nhóm dưới 2 tuổi, nhóm từ 2-6 tuổi và nhóm từ 6-10 tuổi. Nếu nhóm trẻ dưới 2 tuổi thường gặp các vấn đề mũi họng thì nhóm từ 6-10 tuổi, chiều cao – cân nặng đều thấp hơn so với mức chuẩn của lứa tuổi, cận kề mức suy dinh dưỡng.

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Diệu Thúy thăm khám kỹ và thường xuyên trò chuyện, trao đổi với các em nhỏ, phụ huynh

Cùng quan điểm, ThS.BS Doãn Thị Tường Vi – Viện phó Viện Dinh dưỡng lâm sàng nhận định: “Nấm Dẩn là một trong những xã chúng ta cần phải quan tâm về vấn đề dinh dưỡng. Bởi chỉ qua một buổi khám đã ghi nhận tỷ lệ suy dinh dưỡng tương đối lớn. Ngoài suy dinh dưỡng nhẹ cân thì suy dinh dưỡng thấp còi – liên quan đến quá trình suy dinh dưỡng mãn tính, xảy ra một thời gian dài – cũng thường gặp. Thậm chí, có trẻ suy dinh dưỡng còi xương dẫn đến biến dạng lồng ngực, đây là hậu quả nặng nề cho các em, ảnh hưởng cả tầm vóc và tương lai sau này”.

ThS.BS Doãn Thị Tường Vi xem kỹ từng dấu hiệu trên người trẻ, từ mắt, tay đến tóc… để phát hiện sớm, nhận diện sơ bộ tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng

Các vấn đề răng miệng cũng rất phổ biến. Tại bàn khám BS Phan Bá Ngọc, ngoài việc “bội thu” – nhổ đến hơn 70 chiếc răng cho trẻ còn ghi nhận rất nhiều trẻ bị sâu răng, viêm nướu, viêm nha chu, viêm tuỷ răng. Đặc biệt, 3 vấn đề răng miệng khiến chuyên gia Nha khoa trong đoàn đau đáu nhất, đó là tình trạng vôi răng đóng thành từng mảng lớn, do thói quen răng miệng kém, dù 6-7 tuổi nhưng có trẻ chưa đánh răng lần nào và tình trạng mất – lỏng răng vĩnh viễn số 6, khớp cắn lộn xộn – mọc lệch – răng thừa do nhiều nguyên nhân từ thói quen cắn móng tay, ngậm núm sữa, nghiến răng đến răng lung lay, không nhổ.

BS Phan Bá Ngọc nhìn nhận trẻ em ở xã Nấm Dẩn gặp nhiều vấn đề về sức khỏe răng miệng
Bà cháu đội mưa đến khám

Các bàn khám của bác sĩ luôn đông nghẹt. Mặc dù vướng phải rào cản vì ngôn ngữ nhưng nhờ hướng dẫn tận tình, phiên dịch của cán bộ địa phương, việc khám bệnh nhanh chóng vào guồng. 

Những đứa trẻ trưởng thành sớm

Các chuyên gia trong đoàn thiện nguyện đều chung quan điểm, cần quan tâm hơn nữa đến dinh dưỡng, bổ sung vi chất dinh dưỡng cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ. Song, thực tế, vấn đề này không phải là dễ dàng, nhất là tại những vùng cao. Các em nhỏ ở đây phải học cách trưởng thành sớm.

Khai thác thông tin tại buổi khám, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Diệu Thúy nhận thấy, những đứa trẻ xã Nấm Dẩn sinh trưởng trong gia đình đông con, vì vậy không được chăm sóc toàn diện, không có chế độ ăn riêng cho từng giai đoạn – lứa tuổi nên không đạt được chiều cao, cân nặng lý tưởng.

“Những đứa trẻ phải đi làm từ rất sớm, theo cha mẹ đi nương rẫy. Những đứa trẻ mươi tuổi vừa làm việc nhà, vừa thay bố mẹ chăm em – trong khi chính các em cũng đang là một đứa trẻ, cần được chăm sóc” – chuyên gia nặng lòng bày tỏ.

Các bữa ăn thiếu cả về chất và lượng cũng được ThS.BS Doãn Thị Tường Vi đề cập là một trong những nguyên nhân khiến trẻ em nơi đây suy dinh dưỡng. “Khẩu phần ăn của các em đơn điệu, thiếu chất đạm – kể cả các thực phẩm đơn giản như thịt, cá cũng ít khi xuất hiện trong bữa ăn, chủ yếu là cơm với rau, vườn nhà có gì ăn nấy. Khẩu phần ăn không đầy đủ, thiếu chất nên kéo theo vừa thiếu năng lượng, vừa thiếu cân bằng các chất dinh dưỡng, nhất là vi chất dinh dưỡng, gây ảnh hưởng sức khỏe”.

Các em nhỏ cảm nhận được tình thương từ y bác sĩ miền xuôi qua lời nói, cử chỉ

 

 

Các thầy cô bám điểm trường chính hơn 10 năm như cô Vân, cô Bỉnh hay thầy Trường… đều bận lòng khi nhắc đến hoàn cảnh khó khăn của các em học sinh. “Ở đây, nhiều trẻ được gửi cho ông bà để bố mẹ đi công ty, kiếm thêm thu nhập, thêm gạo mắm cho gia đình. Nhưng cũng chính vì vậy, các em không được chăm sóc kỹ lưỡng.

Có bé được cô thắt tóc khi ở trên lớp, nhưng qua hôm sau vẫn y nguyên bộ quần áo và mái tóc ấy đến trường. Có bé nhà cách điểm trường 5km, chưa đủ điều kiện học nội trú, bữa trưa thường chỉ tạm bợ bằng đôi ba cây kẹo rồi lại vào lớp học buổi chiều. Có bé nhà khó khăn, cộc mỗi một bộ đồ đi học. Các thầy cô lại gom góp, lấy quần áo của đám trẻ trong nhà mang đến trường cho các em nhỏ” – vô vàn rào cản được cô Vân chia sẻ.

Những chiếc balo rực rỡ từ Fitobimbi – Delap làm các em nhỏ thích thú, ngắm nghía và đeo xuyên suốt quá trình khám bệnh

Giao thông khó khăn, thiếu thốn điều kiện kinh tế là những thách thức khiến người dân nơi đây khó tiếp cận y tế cũng như kiến thức chăm sóc sức khỏe cơ bản. Bé Tráng Bảo Dương – 1 trong 3 trường hợp được Nhãn hàng Fitobimbi – Delap trao phần quà đặc biệt bỏng cả 2 chân, dù sẹo co rút gây đau đớn, khó khăn trong việc đi lại nhưng người mẹ đành bất lực vì không đủ điều kiện để đeo đuổi việc điều trị.

Chị Ly Thị Phương – mẹ bé Dương cho biết, toàn bộ thu nhập của gia đình phụ thuộc vào đám ruộng nhưng cả năm cũng chỉ thu hoạch được 5 bao thóc (khoảng 150kg), có khi được mùa – khi không nên cũng chẳng đủ ăn. Đám gà, vịt nuôi trong nhà cũng chỉ đủ đồng ra, đồng vào và đôi khi cho con bữa ăn đầy đủ hơn. Chồng chị – làm thuê dưới thành phố – số tiền ít ỏi, 500.000 – 1.000.000 đồng gửi về không thấm tháp vào đâu.

Hoàn cảnh cũng không khá hơn là bao, chị Sứng Thị Phượng – người mẹ 3 con cho biết, nương rẫy giúp gia đình chị thu nhập khoảng 2-3 triệu đồng/ tháng, nhưng nhiêu đó là không đủ chăm lo cho cả nhà. Bữa ăn chính của gia đình chị thường xoay quanh vài mớ rau vườn nhà, mỗi tháng đôi ba lần có thịt. Sữa hay thuốc bổ cho con là điều xa xỉ.

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Diệu Thúy cho rằng, trẻ em là bình đằng. Tất cả mọi trẻ em đều có quyền học tập, chăm sóc sức khỏe nhưng sự khác biệt về địa lý, vùng miền thì trẻ em ở non cao như Hà Giang sẽ thiệt thòi hơn những vùng khác. Tuy nhiên, việc quan tâm đến dinh dưỡng cho trẻ là cần thiết và phải hành động. Điều này cần sự chung tay, góp sức của rất nhiều đơn vị, ban ngành.

BS Hà Văn Huy…

…cùng đoàn bác sĩ trẻ, nhiệt huyết tham gia khám bệnh cho trẻ em vùng cao

Vui Tết Trung thu lên non cao

BS Phan Bá Ngọc từ TPHCM – đại diện AloBacsi trao tặng 5 triệu đồng tiền mặt cho 10 trẻ có hoàn cảnh khó khăn
Daisy trao tặng 10 phần quà cho các bé thiếu dinh dưỡng tại xã Nấm Dẩn, mỗi bé 2 hộp sữa tương đương 900.000 đồng 

Thấu hiểu những khó khăn của bà con vùng cao, chương trình thiện nguyện lần này tại Hà Giang không chỉ trao những viên thuốc chất lượng từ Fitobimbi – Delap, AloBacsi còn dành tặng 5 triệu đồng tiền mặt cho 10 trẻ có hoàn cảnh khó khăn, trao tặng 200 thùng mì gói từ Acecook, 150 thùng sữa từ Aiwado. Song song đó, dịp này, Daisy tặng 10 phần quà dành cho các bé thiếu dinh dưỡng, mỗi bé 2 hộp sữa tương đương 900.000 đồng và chuẩn bị toàn bộ bánh kẹo cho các em nhỏ.

Đặc biệt, các đơn vị cũng phối hợp tổ chức chương trình Vui Tết Trung thu với 700 bánh trung thu cùng lồng đèn. Nhiều em nhỏ thích thú, hiếu kỳ với những chiếc lồng đèn nhiều màu sắc, những chiếc bánh trung thu thơm ngon, bởi đây là lần đầu tiên trong đời các em được chạm vào món đồ chơi thú vị như vậy.

Chương trình Vui Tết Trung thu giúp các em có thêm niềm vui, thưởng thức hương vị thơm ngon từ những chiếc bánh – cây kẹo chở từ miền xuôi lên non cao

Bé Sêu Đức Toàn (9 tuổi) – tay nâng niu, nhìn ngắm chiếc bánh trung thu rồi lại cất vào túi, để dành cho em nhỏ ở nhà. Khi được đoàn thiện nguyện gửi thêm bánh cho em, Toàn mới thực sự yên tâm thưởng thức món bánh ngon lành. Vậy là một mùa trung thu tròn đầy về với các em nhỏ, có bánh, có lồng đèn, được phá cỗ cùng bạn bè trang lứa.

Không chỉ các em nhỏ có quà, nhân ngày Quốc tế Người cao tuổi (1/10), đoàn thiện nguyện cũng trao tặng 100 phần quà trị giá gần 500.000 đồng/phần (gồm có mì gói từ Acecook và vitamin từ Delap) cho 100 cụ ông, cụ bà trên địa bàn xã Nấm Dẩn.

Song song với chương trình khám chữa bệnh cho trẻ em, đoàn thiện nguyện cũng trao tặng 100 phần quà cho các cụ ông, cụ bà tại xã Nấm Dẩn
Các cụ được thưởng thức ly nước ngon lành, bổ sung vi chất dinh dưỡng giúp nâng cao sức khỏe từ viên sủi do Delap trao tặng ngay tại điểm trao tặng
Bà Vũ Thị Hòa – Phó Chủ tịch UBND huyện Xín Mần gửi lời tri ân đến các đơn vị tổ chức chương trình

Ghi nhận tấm lòng của đoàn thiện nguyện, bà Vũ Thị Hòa – Phó Chủ tịch UBND huyện Xín Mần gửi lời tri ân: “Đây là chương trình vô cùng ý nghĩa với bà con xã Nấm Dẩn. Bởi huyện Xín Mần cách trung tâm Hà Giang 150km, là huyện biên giới có tỷ lệ dân tộc thiểu số cao – chiếm gần 97% và trong đó có hơn 70% là hộ nghèo và cận nghèo. Điều kiện kinh tế, đi lại khó khăn khiến nhiều người dù có bệnh cũng không được thăm khám tại các bệnh viện lớn.

Do đó, chương trình khám của đoàn thiện nguyện là cơ hội để trẻ em, bà con của xã được tiếp cận với các bác sĩ giàu kinh nghiệm, chuyên môn, từ đó phát hiện sớm bệnh và được cứu chữa kịp thời. Hơn nữa, đoàn còn tổ chức chương trình Trung thu – một món quà động viên tinh thần các em nhỏ rất lớn, vì hoàn cảnh thiếu thốn nên rất khó để tổ chức chương trình lớn như vậy tại đây”.

Đoàn y bác sĩ tham gia chương trình đều nhìn nhận, hành trình thiện nguyện mà AloBacsi, Delap cùng Daisy tổ chức vô cùng ý nghĩa. Sự hợp sức của đoàn bác sĩ – những người chia sẻ chuyên môn và các đơn vị, truyền thông góp phần lan tỏa kiến thức để từ đó cải thiện về sức khỏe, trong đó có cải thiện dinh dưỡng và tầm vóc cho trẻ.

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Diệu Thúy cho biết: “Vừa qua, Trường Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cũng thực hiện chương trình ở Hà Giang và nhận thấy rằng đây là một điểm cầu có tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh cao nhất toàn quốc. Vì vậy, sắp tới Bệnh viện Đại học Y Hà Nội sẽ cử cán bộ lên tập huấn, đào tạo cho nhân viên y tế nơi đây, và sau đó đi dần về chiều sâu, đòi hỏi rất nhiều thời gian cũng như nguồn lực”. Đồng thời, chuyên gia cũng kỳ vọng, chương trình thiện nguyện hướng đến cộng đồng như AloBacsi đang thực hiện sẽ ngày càng được nối dài, đến nhiều vùng sâu, vùng xa hơn nữa.

AloBacsi – Daisy trao tặng 100 thùng mì cho các điểm trường tại xã Nấm Dẩn

Đoàn y bác sĩ Hà Nội, TPHCM hội tụ cùng đoàn thanh niên, các thầy cô trường mầm non, trường tiểu học tại Xín Mần, Hà Giang – cùng nhau chung tay tạo nên chương trình khám bệnh, phát thuốc thành công

Tham gia đoàn thiện nguyện lần này, không chỉ có những bác giàu kinh nghiệm như PGS.TS Diệu Thúy, ThS.BS Tường Vi mà còn có rất nhiều bác sĩ trẻ, giàu nhiệt huyết. BS Hà Văn Huy – Bệnh viện Quân Y 103 bày tỏ anh rất vinh dự khi được đồng hành cùng các cô, cùng ban tổ chức đem yêu thương, sức khỏe đến bà con và hy vọng hành trình này sẽ viết tiếp tại nhiều tỉnh thành khác.

Hẹn gặp lại Hà Giang!

Chia sẻ:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Bài liên quan

Tuyển dụng nhân sự Creator

Mô tả công việc: Chế độ/chính sách: Yêu cầu/; Bộ phận tuyển dụng: Địa chỉ và thời gian làm việc: –    Địa chỉ: 48 Tố