Có nhiều tác nhân gây ra bệnh tay chân miệng, trong đó Enterovirus 71 là virus nguy hiểm nhất, có thể dẫn đến tình trạng tử vong.
Hiện nay số ca mắc bệnh chân tay miệng đang gia tăng nhanh chóng ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, TP.HCM tăng gần 150% trong một tháng qua, Bệnh viên Nhi Trung ương tiếp nhận 1.200 ca, gần 500 trẻ phải nhập viện điều trị, 30% nhiễm virus EV71.
Bệnh chân tay miệng là bệnh truyền nhiễm phổ biến ở trẻ em, mùa hè là thời gian cao điểm để bùng phát dịch. Trẻ em bị tay chân miệng có thể truyền virus qua đường vệ sinh, đường miệng, virus ở vết thương trên tay chân nên lây nhiễm rất nhanh. Bệnh có nhiều chủng khác nhau, chủng virus Coxsackievirus A16 (nhóm A16) và Enterovirus 71 (EV71) trong đó, virus A16 là loại thường gặp. Trong đó trẻ mắc các nhóm virus A16 đều ở thể nhẹ, ít biến chứng và tự khỏi. Còn với chủng virus EV71 được coi là “tác nhân độc nhất trong các tác nhân gây bệnh”, bởi chủng này gây biến chứng thần kinh, viêm cơ tim, viêm não và có thể gây tử vong ở trẻ.
Khi xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp và đường tiêu hoá, virus EV71 tăng sinh ở mô, hầu họng và đi vào máu tới các cơ quan như não (gây viêm não,màng não), tim(viêm cơ tim, màng tim), da (loét da, tổn thương da, niêm mạc), cơ (gây yếu, liệt cơ). Các trường hợp biến chứng nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nguy cơ tử vong cao.
Trẻ bị bệnh sẽ có biểu hiện sốt 1-2 ngày từ sốt nhẹ đến sốt ca, sau đó xuất hiện các vết loét ở miệng, chảy nước miếng nhiều, lòng bàn tay, chân, gối, mông có các mụn nước nổi cộm trên da, không ngứa, không đau. Một số trẻ nổi nhiều hơn hoặc nổi ở kẽ, rìa tay và chân. Trẻ mắc bệnh có thể điều trị tại nhà tuy nhiên cha mẹ cần cảnh giác bởi trẻ có thể gặp những biến chứng nguy hiểm.
Phụ huynh cần theo dõi phía da trong cánh tay, đùi của trẻ nhỏ vì có thể có các mụn đỏ, xuất huyết. Một vài trường hợp trẻ sẽ bị chảy máu chân răng, chảy máu cam, nôn ra máu, đi tiêu phân đen. Khi trẻ bị sốt cao liên tục đến ngày thứ 3 phải đưa đến bệnh viện để được thăm khám, điều trị kịp thời. Dấu hiệu nguy hiểm của tay chân miệng lầ trẻ bị giật mình, mê sảng, đi đứng loạng choạng,.. Tay chân miệng có nhiều chủng nên trẻ khỏi bệnh rồi vẫn có thể mắc lại, bố mẹ không được chủ quan.
Tay chân miệng không có vắc xin phòng bệnh lại tồn tại rất lâu và dễ lây lan trong môi trường. Vì vậy, mọi người cần phải tăng cường vệ sinh sạch sẽ, thường xuyên rửa tay, huấn luyện cho trẻ không mút tay, ngậm đồ chơi và đi vệ sinh đúng chỗ. Trẻ bị tay chân miệng cần được nghỉ học để tránh lây cho bé khác. Sau khi khỏi bệnh cần vệ sinh chỗ ở, rửa sạch đồ chơi bằng xà phòng và phơi nắng. Hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất khi thấy có biến chứng thể nặng vì virus EV71 có thể gây tử vong.
Theo Vietnamnet.vn