Có ít nhất 9 người tại Ghinea Xích đạo tử vong vì sốt xuất huyết do virus Marburg – “họ hàng” của virus Ebola. Vậy virus này là gì? Có nguy hiểm và dễ lây nhiễm không?
Virus Marburg là gì?
Virus Marburg là một virus RNA cùng họ với virus Ebola, bắt nguồn từ loài dơi, lây giữa người với người qua tiếp xúc gần với dịch cơ thể của người bị nhiễm bệnh hoặc các bề mặt như ga trải giường nhiễm virus.
Theo các trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC), virus Marburg gây sốt xuất huyết và xuất huyết nghiêm trọng ở nhiều bộ phận trong cơ thể.
Loại virus hiếm gặp này lần đầu tiên được xác định tại các phòng thí nghiệm ở Marburg, Đức và Belgrade vào năm 1967 sau khi gây ra các đợt bùng phát dịch bệnh tại đây.
Tại thời điểm đó, đã có 7 người tử vong trong số 31 người bị bệnh khi tiếp xúc với virus trong lúc tiến hành nghiên cứu trên khỉ. CDC Mỹ xác định, dơi ăn quả châu Phi là vật chủ chứa virus.
Virus Marburg lây qua đường nào?
Virus Marburg có đường lây truyền rất đa dạng, theo các chuyên gia y tế, vius Marburg lây truyền sang người từ dơi ăn quả châu Phi thông qua nhiều cơ chế khác nhau, cụ thể:
- Hít phải chất tiết hoặc nước tiểu của loài dơi Rousettus trong hầm mỏ. Tiếp xúc trực tiếp với dịch cơ thể, đường máu, nước tiểu, nước bọt, mồ hôi, các chất tiết nôn…
- Virus Marburg cũng có thể lây truyền qua đường tình dục (quan hệ tình dục bằng miệng, âm đạo hoặc hậu môn) thông qua việc tiếp xúc với tinh dịch của người đã khỏi bệnh.
- Ngoài ra, virus Marburg cũng được lây truyền cho thai nhi thông qua nhau thai và nước ối. Đối với phụ nữ đang cho con bú, virus Marburg có thể tồn tại trong sữa mẹ.
- Các đối tượng khác cũng dễ mắc virus Marburg là người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân, đặc biệt là các thành viên trong gia đình hoặc nhân viên y tế. Virus có thể lây sang người qua quần áo, ga trải giường, bơm kim tiêm, dụng cụ y tế…
Mặc dù vậy, theo các bác sĩ, virus Marburg không dễ lây, thường lây qua đường tiếp xúc là chủ yếu. Tuy nhiên có thể lây qua đường hô hấp, cụ thể là giọt bắn khi tiếp xúc rất gần.
Virus Marburg có nguy hiểm không?
Theo BSCKII Nguyễn Trung Cấp (Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết, bệnh do virus Marburg là căn bệnh đã được ghi nhận trên động vật từ lâu, không phải bệnh mới.
“Đặc điểm của virus Marburg là khi lây nhiễm thì tỉ lệ tử vong của bệnh nhân khá cao, lên đến 70-80%. Chính vì vậy, với người mắc bệnh, đây là một bệnh cực kỳ nguy hiểm, nhưng đối với cộng đồng, bệnh do virus Marburg gây ra không có nhóm bệnh triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng, do đó căn bệnh này khó có thể lan rộng như những bệnh có nhóm triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng.
Ngoài ra, khi nhiễm virus Marburg, bệnh thường nặng, bệnh nhân nằm bệt một chỗ nên sẽ khó lây hơn, nhất là trên phạm vi vùng, quốc gia. Nhìn chung, tỉ lệ lây nhiễm virus Marburg thấp hơn so với nhóm bệnh có thời gian ủ bệnh dài hoặc bệnh không có triệu chứng” – BS. Cấp cho biết.
Đến nay, bệnh do virus Marburg gây ra vẫn chưa có thuốc điều trị, chủ yếu chữa triệu chứng. Bệnh cũng chưa có vaccine dự phòng. Chính vì vậy, việc tránh tiếp xúc với người mắc bệnh và vệ sinh bề mặt bị vấy bẩn rất quan trọng, bên cạnh việc đeo khẩu trang phòng bệnh… Người dân cũng cần thường xuyên theo dõi, cập nhật các khuyến cáo của ngành y tế để chủ động phòng chống căn bệnh này – Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khuyến cáo.